Làm sao chúng ta thoát khỏi vòng lặp Trauma Bonding (Gắn kết từ Tổn thương) bất tận để có được một tình yêu lành mạnh? Đó là nội dung chính trong buổi chia sẻ của Satsang số thứ 9 diễn ra vào sáng ngày 30.7.2023. Buổi chia sẻ có sự tham gia của Nhà tâm lý Vũ Phi Yên, Coach Lê Hồng Minh, Coach Phạm Duy Hiếu.
Satsang là chuỗi chương trình trò chuyện cộng đồng do The Gift tổ chức vào ngày 30 hàng tháng, với tiêu chí đem lại một góc nhỏ bình yên để cùng nhau chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện những trải nghiệm trên hành trình đi tìm Sự Thật cho cuộc đời của mỗi người.
Với chủ đề Gắn kết từ Tổn thương – Trauma Bonding, buổi chia sẻ đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng ta đã thực sự thấu hiểu tình yêu, thấu hiểu bản thân và mối quan hệ của mình chưa. Tình yêu chân chính là sức mạnh nâng đỡ con người, nhưng không phải mối quan hệ gắn kết nào cũng bắt nguồn từ nền tảng ấy. Gắn kết từ Tổn thương – Trauma Bonding là khi chúng ta ràng buộc lẫn nhau trong mối dây tơ vò của những khổ đau và vết thương cá nhân chưa được chữa lành.
Từ trái sang: Coach Phạm Duy Hiếu và Coach Lê Hồng Minh chia sẻ cho người tham dự những trải nghiệm cá nhân
Cảm giác quen thuộc với loại tình yêu xem đau khổ như một thứ lãng mạn
Trauma Bonding trải dài khắp cuộc đời. Ngay từ nhỏ, có thể chúng ta đã vô thức tiếp xúc với khái niệm này thông qua sách vở, phim ảnh, sự giáo dục từ môi trường xung quanh. Nhà tâm lý Vũ Phi Yên chia sẻ rằng chị đã từng thích tiểu thuyết Cánh hoa chùm gửi (Thố Ty Hoa) của Quỳnh Dao. Mối quan hệ được đề cập trong tác phẩm thực chất là một Trauma Bonding vì sự kết nối giữa hai nhân vật có phần theo xu hướng tiêu cực. Cái tên Thố Ty Hoa mà Quỳnh Dao đặt cho tiêu đề tiểu thuyết có lẽ phần lớn dựa vào tinh thần của bài thơ Cổ Ý do Lý Bạch sáng tác, được trích lại trong chương 18 như sau:
Chàng là Nữ Oa Thảo, thiếp tựa Thố Ty Hoa
Thân gầy không tự dẫn, chỉ tại gió xuân đưa,
Cách xa nhau trăm trượng, kết nhau thành một nhà.
Người chân mây kẻ núi, gặp mặt đâu nào dễ
Nữ Oa hương thơm ngát, Thố Ty cảnh đoạn trường,
Cành cành ta xiết chặt, lá lá cùng reo vang.
(Bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ)
Bài thơ diễn tả một tình yêu có sự quấn quít đến nỗi khi hai người buộc phải tách nhau ra thì đôi bên đều rất đau khổ.
Cũng giống như Cánh hoa chùm gửi, các truyện ngôn tình khác đều có cùng motif nội dung xoay quanh những mối quan hệ luôn tiềm ẩn nhiều xung đột. Những bộ phim tình cảm lãng mạn cũng tương tự. Vì sao những nhà văn, nhà biên kịch thường chọn cách khai thác này? Nguyên nhân là vì câu chuyện tình yêu có chút đau khổ, ngược đãi nhau dường như mang màu sắc lãng mạn hơn câu chuyện hai người yêu nhau, thấu hiểu cho nhau từ đầu đến cuối – thậm chí, với chúng ta, câu chuyện thứ hai còn có vẻ nhạt nhẽo. Bên cạnh đó, những bi kịch tình yêu diễn ra trong đời sống hằng ngày còn khiến chúng ta dễ đúc kết những câu có tính buộc tội đánh đồng như: “yêu là khổ”, “tình là dây oan”…
Chính vì những ảnh hưởng của các tác phẩm nghệ thuật, cộng hưởng với sự giáo dục từ nhỏ, chúng ta đã quá quen thuộc với loại tình yêu xem đau khổ như một thứ lãng mạn.
Điều gì khiến con người gắn chặt với nhau?
Nhà tâm lý Vũ Phi Yên
Có những cuộc chia lìa không mấy đau khổ, và cũng có những cuộc chia lìa khiến ta đau khổ nhiều. Tại sao lại như thế? Điều gì khiến con người gắn chặt với nhau? Khán giả tham gia chương trình lần lượt đưa ra những câu trả lời như: “Sự sở hữu”; “Yêu và những mong muốn”; “Hiểu. Tôn trọng”; “Lợi ích”…
Từ đó, bác sĩ Vũ Phi Yên tổng kết lại rằng bên nào có nhiều hơn các yếu tố gắn kết (yêu, mong muốn, sở hữu, lợi ích…) thì bên đó đau khổ hơn. Trong chặng đường từ tình yêu đến hôn nhân thì tình yêu không thay đổi nhưng sự mong đợi dành cho đối phương lại thay đổi. Giai đoạn trước khi kết hôn, ta thường không cảm thấy quá khó khăn trong việc bày tỏ với đối phương những điều thích hay không thích. Đến lúc kết hôn, dường như ta có thể nói ra những điều mình thương nhưng lại không thể nói ra những điều mình ghét. Khi chúng ta đã trói buộc nhau bằng những sợi dây bện chặt, việc muốn thoát ra khỏi một mối quan hệ thật khó khăn. Ta thường sẽ dễ bắt gặp cảm xúc này:
“I hate you. Don’t leave me.”(Em/anh ghét anh/em. Nhưng anh/em đừng bỏ em/anh.)
Đây là một nghịch lí đau khổ, đáng lẽ ta không nên để cho điều này diễn ra. Nhưng rồi hiện tượng này cứ tái diễn thành một vòng lặp: đau khổ trong mối quan hệ – chia tay – đau khổ khi chia tay – quay lại – đau khổ trong mối quan hệ… Và rồi ta dần trở nên im lặng, nhẫn nhịn.
Nhà tâm lý Vũ Phi Yên chia sẻ rằng chị rất thích bài hát J’ai demandé à la lune của nhóm nhạc Indochine với phần lời mở đầu như sau:
“J’ai demandé à la luneEt le soleil ne le sait pasJe lui ai montré mes brûluresEt la lune s’est moquée de moi…”
(Tạm dịch:
Tôi hỏi thăm mặt trăng
Nhân lúc mặt trời không để ý
Tôi cho trăng thấy những vết bỏng của mình
Nhưng trăng chỉ nhìn tôi cười…)
Phần lời bài hát này dường như diễn tả một bi kịch bạo lực trong gia đình đã xảy ra nhưng những thành viên trong nhà lại lựa chọn sự im lặng để đối diện nhau. Trên thực tế, có những mối quan hệ cứ tiếp tục duy trì dựa trên sự im lặng. Nhưng cũng có những mối quan hệ khiến người ta muốn thoát li đến nỗi không thể im lặng và rồi người ta bỏ nhau thật.
Quay trở lại với soi chiếu từ văn chương, Nhà tâm lý Vũ Phi Yên nhắc đến trường hợp Đồi gió hú – đây là cuốn tiểu thuyết được rất nhiều người yêu thích, bản thân chị cũng dành tình cảm đặc biệt cho tác phẩm này. Tuy nhiên, theo Nhà tâm lý Vũ Phi Yên, hầu như những nhân vật trong truyện đều có bệnh tâm lí. Đồi gió hú là một tác phẩm mang nhiều bóng tối; nhưng sau bóng tối là ánh sáng – cho dẫu ít ỏi, vẫn khiến người ta lại có thể tiếp tục thắp lên niềm tin yêu, hi vọng. Và những tổn thương đến từ việc ta chưa biết cách gắn kết với nhau có thể phần nào nguôi ngoai nếu như ta:
“Ngưng oán trách
Thôi cảm thấy tội lỗi
Nhìn thấu và cảm thông”
(Đoạn trích từ slide của Nhà tâm lý Vũ Phi Yên)
Hoàng Đức Nhiên - Chấp bút
Comments